Kiến trúc Sài Gòn từ cuộc thi tìm ý tưởng cho Trung tâm lưu trữ Quốc gia II
Với mục đích gìn giữ kiến trúc Sài Gòn xưa trong một công trình kiến trúc lâu đời tại Sài Gòn, vào tháng 8/2018 vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở QH-KT Tp.HCM đã kết hợp với Trường đại học Tôn Đức Thắng tổ chức cuộc thi tìm ý tưởng kiến trúc cho công trình Trung tâm lưu trữ Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với Trường đại học Tôn Đức Thắng, cuộc thi tìm ý tưởng kiến trúc cho công trình này là cơ hội tốt để sinh viên ngành kiến trúc & quy hoạch tiếp cận thực tiễn, nâng cao tính thực hành trong hoạt động nghề nghiệp. Đồng thời, việc kết hợp một cách chủ động và có chuyên môn sâu với Sở QH-KT Tp.HCM cũng thể hiện sự đóng góp thực chất và hiệu quả của Trường đại học Tôn Đức Thắng vào công việc chung của thành phố, góp phần gìn giữ một công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử của Tp.HCM.
NHIỆM VỤ THIẾT KẾ
Trung tâm lưu trữ Quốc gia II nằm ở vị trí số 2 Ter Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM. Đây tổ chức sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, là nơi lưu trữ các văn bản, hồ sơ, tài liệu có giá trị từ Trung ương đến địa phương. Tài liệu được lưu trữ nhiều nhất từ thời Pháp thuộc. Công trình là nơi tạo dựng nên không gian chia sẻ, nghiên cứu dành cho mọi đối tượng quan tâm đến di sản văn hóa lịch sử của Việt Nam, đồng thời là di tích kiến trúc Pháp tại Sài Gòn.
Nhiệm vụ của đồ án được đặt ra là tìm kiếm ý tưởng và cải tạo công năng công trình đã có tại vị trí số 2 Ter Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1. Chức năng ban đầu là nơi lưu trữ trưng bày hồ sơ, tài liệu, tư liệu, để tạo thành một không gian trưng bày đa năng (trong nhà và ngoài trơi), tạo ra không gian mở và có khả năng thu hút khách du lịch đến tham quan.
Nhiệm vụ thiết kế gồm 3 hạng mục là không gian ngoại thất, không gian nội thất, và mặt đứng công trình. Đơn vị chủ trì đặt ra các yêu cầu: Tổ chức không gian hợp lý, linh hoạt; Tạo không gian mở, thu hút khách du lịch; Thể hiện được những nét đặc trưng của Sài Gòn.
Ý TƯỞNG THIẾT KẾ
Để bám sát chủ đề của cuộc thi là gìn giữ nét kiến trúc của Sài Gòn xưa (thành cổ, trục đường Lê Duẩn, quy hoạch kiến trúc Sài Gòn), đồng thời tạo được không gian lưu trữ trưng bày đa năng, các nhóm sinh viên kiến trúc phải tìm hiểu về phong cách kiến trúc Sài Gòn, cũng như những nét văn hóa và thói quen của người Sài Gòn xưa.
Khai thác sự liên hệ qua lại giữa yếu tố Hiện đại và Truyền thống, nhằm tái hiện một không gian Sài Gòn xưa vào trong không gian trưng bày. Các phương án đề xuất nhằm làm tôn thêm giá trị của các tài liệu cổ và các ấn phẩm được lưu giữ. Qua đó, truyền tải những thông điệp ý nghĩa về lịch sử và cả văn hóa đến người xem.
Phương án thiết kế của nhóm sinh viên ngành kiến trúc khóa K19 nhấn mạnh những đặc trưng điển hình của kiến trúc Sài Gòn. Thể hiện qua các ý tưởng kiến trúc sau:
a) Về tổ chức không gian, đảm bảo dây chuyền công năng trưng bày hiện vật. Không gian từ ngoài vào trong lần lượt là sự trải nghiệm cho người xem. Không gian thiết kế mô phỏng lại một chuỗi những câu chuyện về Sài Gòn từ xưa đến nay, xen lẫn là những chi tiết ấn phẩm đặc biệt của từng giai đoạn phát triển của Sài Gòn.
b) Về cách sắp xếp không gian trưng bày được chia thành 2 phần: Không gian cố định, trưng bày các hiện vật quý giá, các văn bản có giá trị; và Không gian lưu động, thay đổi linh hoạt nội dung triển lãm thường xuyên theo chuyên đề (tuần, tháng). Trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng các tấm vách di động ngăn thành phòng hội thảo. Hai không gian tương tác qua lại giúp người xem định hình được câu chuyện mà người thiết kế muốn gửi gắm.
c) Về sử dụng vật liệu nội – ngoại thất:
Nội thất: gạch hoa văn Đông Dương được sử dụng để lát sàn và ốp chỉ tường; gỗ màu đỏ son được dùng làm bàn, gế, kệ, tủ trưng bày; những bức tường cũ được tô thêm lớp sơn phủ màu vàng nâu. Tô điểm thêm là những bình gốm sứ họa tiết, mây tre cói,…
Ngoại thất: giữ nguyên phần “thô kệch” bê tông đá rửa, vì đây là một vật liệu điển hình của kiến trúc trước năm 1975 (từng là một trao lưu kiến trúc những năm 1960 -1970), là đại diện một thời của phong cách kiến trúc Sài Gòn xưa. Đồng thời, sử dụng hoa văn của gạch hoa gió (mượn lại hình ảnh gạch hoa gió của Dinh Độc Lập) ghép thành mảng lớn đặt trước cầu thang chính tạo thành chuỗi các công trình có sự liên kết với nhau.
Hệ khung hoa gió bao bọc bên ngoài lõi thang chính, được làm từ thép giả gỗ. Có hiệu quả về mặt kinh tế và độ bền cao (Hình 5&6).
Phòng thực tế ảo, phòng chiếu phim: Những bộ phim tư liệu được chiếu lại dưới định dạng 3D giúp người xem có thể cảm nhận một cách chân thực và rõ nét hơn về những bước chuyển biến của Sài Gòn theo thời gian.
Không gian nghe nhạc (tầng lửng), là điểm kết thúc của tuyến tham quan, nơi trưng bày hơn 3000 đĩa nhạc cổ (đĩa than) về Sài Gòn. Tại đây, khách tham quan có thể nghe lại những bản nhạc nổi tiếng thông qua bô sưu tập đĩa than đồ sộ, từ đây có thể nhìn xuống không gian trưng bày ở dưới một cách bao quát. Tạo cảm giác cho người tham quan đang đứng giữa một không gian hiện hữu của thực tại và chìm đắm vào giai điệu, vào những nét đơn sơ mộc mạc của ngày xưa (Hình 7).
d) Điểm đặc biệt của phương án: Sử dụng vách ngăn di động để tận dụng ánh sáng tự nhiên cho không gian trưng bày. Đây là những không gian cần thông thoáng, tránh bị ngợp nên đề xuất các vách ngăn di động để tăng hiệu quả lấy sánh sáng tự nhiên. Những tấm vách có thể di chuyển linh hoạt giúp lấy được ánh sáng và thông gió tự nhiên một cách tối đa. Hệ vách di động được thiết kế đặc biệt, gồm nhiều lớp cấu tạo: lớp màng phủ, lớp chống thấm, lớp cách nhiệt, …(Hình 8).
e) Không gian sân vườn bên ngoài có tường rào phủ cây xanh, kết hợp với không gian mở để cân bằng nhiệt độ, tạo thành một mảng xanh xung quanh công trình (Hình 89).
Tại buổi chấm giải vòng 2 và trao giải cuộc thi thiết kế có sự tham gia của TS. Nguyễn Anh Tuấn - GĐ Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc&Quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM; TS. Ngô Lê Minh - Trưởng bộ môn Kiến trúc, TS. Trịnh Tú Anh - Trưởng Bộ môn Quy hoạch K.KTCT và các giảng viên ngành kiến trúc.
Kết quả chung cuộc, với sự tham gia của hơn 40 sinh viên ngành kiến trúc-quy hoạch của Trường đại học Tôn Đức Thắng, ban tổ chức cuộc thi đã chọn ra được những phương án có tính khả thi cao nhất. Giải Nhất thuộc về Sv Trần Nghĩa Thoại; Giải nhì –nhóm sv Nguyễn Sỹ Nguyên và Võ Tuấn Anh; Giải khuyến khích – nhóm sv Phạm Thanh Hải, Cổ Quỳnh Mai, Nguyễn Trịnh Kim Nguyên; và nhóm sv Trần Văn Phong, Tô Lê Như Ngọc, Phạm Thị Huyền.
Phương án được đánh giá cao nhất của SV ngành kiến trúc khóa K19, Trần Nghĩa Thoại:
CẢM NHẬN VỀ CUỘC THI
Được tham gia cuộc thi, các sinh viên kiến trúc-quy hoạch coi đây là cơ hội tốt để các KTS tương lai được trải nghiệm một cuộc thi thiết kế của thành phố với đề bài thực tế, và được khuyến khích thể hiện hết khả năng sáng tạo của mình. Nội dung công việc đặt ra tính thực tế và cạnh tranh cao, đòi hỏi mỗi thí sinh phải nắm vững kiến thức chuyên ngành cũng như những kiến thức về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Sài Gòn. Để từ đó vận dụng kỹ năng sáng tác và các kỹ năng đồ họa chuyên nghiệp thể hiện tác phẩm của mình thành những đồ án khả thi và hiệu quả nhất.
Sự tham dự của ngành kiến trúc-quy hoạch Trường đại học Tôn Đức Thắng trong cuộc thi tìm ý tưởng cho công trình Trung tâm lưu trữ Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực, chủ động và hiệu quả của các cơ sở đào tao nói chung, và của Trường đại học Tôn Đức Thắng nói riêng vào công việc chung của thành phố. Sự hợp tác này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía, giúp Sở ban ngành thành phố có thêm những ý tưởng sáng tạo cho các cuộc thi tìm ý tưởng, đồng thời việc đào tạo của trường đại học gắn chặt hơn nữa với thực tiễn, nâng cao tính thực tiễn hành nghề Kiến trúc sư và tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
TS. KTS. Ngô Lê Minh
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 11/2018./.
- Log in to post comments